14.2.10

Nghĩa lý đào, quất

Chiều 28 lượn lên phố, tính kiếm cây đào phai về đặt trong nhà cho nó khí thế cái Tết. Lượn đi lượn lại, chả thấy cây nào ra hồn. Phần lớn vẫn là thứ cây được gọi là đào thế, từ gốc chẽ ra 3 cành, uốn loằng ngoằng như giun chầu lỗ dế, trông rất nhàm.

Hình như những người bán hàng người Bắc thường nói cùn, cứ khách chê điểm nào là phải cãi bằng được rằng điểm đó tốt, cho dù cái dở nó sờ sờ trước mắt.

Ông bán đào chỗ gần bến xe cũ chỉ vào mấy cánh hoa bé xíu, quăn queo và rũ xuống trên thân một cây đào đầy cành khẳng khiu, trơ trọi, bảo: “Đây, trông nó đẹp như vầy. Như vầy mà anh còn chê”.
Ông bạn đi cùng mình bảo: “Nhưng mà người ta chỉ chơi đào chứ không chơi rào”.

Ảnh: dulichtrongoi.com

Chỗ trước cửa Bưu điện, mình chỉ một cây bảo héo quá, bà chị bán hàng liến thoắng: “À cái này về anh cứ tưới nước một đêm là sáng mai lại tươi roi rói”.

Riêng chị bán đào ở vỉa hè khu quán cà phê bờ hồ thì không cãi. Khi bị chê đào héo, chị trả lời bằng một câu hỏi ngược: “Thế có Tết năm nào anh đi chơi mặc áo cộc tay không?”.

Ông bạn đi xem đào cùng mình mặc áo cộc tay. Đường phố lúc đó đầy người mặc áo cộc tay. Hôm trước, ông cháu họ mình (cái ông đứng cười phớ lớ chỉ vào biển gỏi nhệch trong hình đại diện blog này) cũng mặc áo phông cộc tay phi xe máy từ Hà Nội về. Mình hôm đi xe máy từ HN về mặc áo dài tay, nhưng phần tay lộ ra bị cháy nắng, da đỏ ửng và rát, như kiểu sau một ngày hè tắm biển.

Nắng hạ giữa mùa đông thế này thật hại dân bán đào. Hại cả dân chơi đào. Cây nào cây nấy nở bung hoa, 28 Tết đã có vẻ tàn tạ, trông rất thảm.

Mãi mới thấy chỗ ngã tư trước cửa khách sạn có cây tạm được. Gốc đỡ uốn éo loằng ngoằng, nhiều cành tụ thành khóm, hoa to và tươi, dày nụ. Cậu bán hàng nói giá 400k. Mình ra chỗ khác một tí xem còn cây nào hơn, lúc quay lại đã thấy hét giá 550k. Cậu bán hàng mặt quàu quạu, mồm lẩm bẩm chê thanh niên Diêm Điền kém, vì nhiều người cứ mặc cả kỳ kèo. Đã vậy mình đếch mua. Mình là loại không biết mặc cả, nhưng nghĩ mặc cả là quyền của người ta. Đã mang hàng bày ra giữa chợ, trách nỗi gì.

Qua một đêm, sáng 29 Tết, trời chuyển rét. Đối với người miền Bắc, cái rét vừa phải vào đúng dịp Tết là một món quà quý giá. Trời mưa lạnh mới thấm thía không khí đoàn tụ, tình cảm gia đình, bạn bè ấm áp. Trời phải âm u, Tết mới tưng bừng.

Mình lại lượn phố tìm đào. Lần này mới có cảm giác đi chợ Tết. Đi đến vòng thứ 2 thì phát hiện chỗ cống Diêm Điền một cây khá, để lẫn trong một đống “rào”. Cây này không thật đẹp, nhưng trong mắt mình, có thể nói nó ngon lành nhất so với đám còn lại của buổi chợ hôm đó. Mình chơi luôn.

Có lẽ từ khoảng chục năm gần đây, dân Diêm Điền mới có thói quen chơi đào quất cảnh. Mua về không để cho cây yên, phải chăng thêm một vài bộ “đèn nháy” vào, cắm điện lập lòe xanh đỏ. Mới đầu mình ghét kiểu này, vì nghĩ cái cây cần được đẹp theo cách của nó, không đáng phải khoác thêm một bộ áo xanh đỏ nhân tạo rẻ tiền. Nhưng khi chăng “điện nháy” vào, nhiều người trong gia đình thấy nó đẹp hơn, thích hơn, cảm thấy có không khí hơn. Điều đó cũng khiến mình vui lây. Vậy chẳng nên vì ý thích của riêng mình, hay vì vẻ đẹp của một cái cây nào đó mua ngoài chợ mà ngăn niềm vui chung đó lại. Thế là mình cũng mua “đèn nháy”, hào hứng cùng mấy ông anh chăng dọc ngang tứ tung vào cây.

Mọi năm, thấy mình mua cây cảnh, bố chỉ hỏi một câu giá bao nhiêu, còn thì kệ mình với ông anh. Dường như bố cho hoa hoét là thứ vớ vỉn, vừa tốn tiền vừa rác nhà. Nhưng năm nay khác, bố xăng xái cùng mình xúc đất đổ vào chậu, dọn dẹp chỗ đặt và cùng khiêng chậu cây từ sân vào nhà, lại còn đứng ngắm một tí nữa.
Đấy là điều thú vị nhất từ cây đào nhà mình Tết này.

Không có nhận xét nào: